Tại sao cần nấu nước đường trước khi làm bánh trung thu?
Nước đường có công dụng quyết định chất lượng, vị ngọt, độ mềm dẻo và thời gian bảo quản của bánh. Khi để nước đường trong thời gian dài sẽ trở nên sậm màu, đặc sánh lại tạo màu vàng nâu của vỏ bánh Trung Thu. Do đó, nước đường là một nguyên liệu quan trọng và vô cùng cần thiết để chế biến bánh Trung Thu thơm ngon, có màu vàng đẹp mắt.
Chi tiết cách nấu nước đường làm bánh trung thu đơn giản, chuẩn nhất
Để làm ra những chiếc bánh Trung Thu thơm ngon, đẹp mắt thì khâu chuẩn bị nước đường là quan trọng nhất. Sau đây giới thiệu đến bạn cách nấu nước đường làm bánh Trung Thu chuẩn nhất hiện nay:
Chuẩn bị nguyên liệu
Nguyên liệu gồm có:
Đường vàng hạt to hoặc đường nâu 1 kg
Nước lọc 600ml
Giấm gạo 100g
Nước tro tàu 5ml
Lòng trắng trứng 1
Nước cốt chanh 1 muỗng canh
Các bước thực hiện
Bước 1: Đầu tiên, bạn hãy cho các nguyên liệu đường vàng, nước lọc, giấm gạo, nước tro tàu và lòng trắng trứng vào nồi. Bắt nồi lên bếp rồi bật lửa lớn, đun hỗn hợp đến khi thấy lòng trắng trứng nổi lên mặt nước. Sau đó, bạn hãy vớt lòng trắng trứng ra và hạ lửa nhỏ. Bạn nên vớt hết bọt trứng nổi trên bề mặt đến khi không còn bọt sủi lên. Làm như vậy nước đường sẽ được trong hơn.
Bước 2: Khi nước đường đã được đun trên lửa nhỏ trong vòng 20 đến 30 phút, bạn đổ nước cốt canh vào nồi. Tiếp tục đun sôi hỗn hợp nước đường trong vòng 40 đến 60 phút là bạn có thể tắt bếp.
Bước 3: Khi nước đường đã nguội bạn dùng môi lớn múc nước đường vào lọ thủy tinh. Để nước đường nguội hẳn rồi mới đóng nắp và cất khoảng 7 đến 10 ngày là có thể đem ra sử dụng làm bánh.
Thành phẩm
Lúc này nước đường đã chuyển sang màu cánh gián, dạng sệt và rất thơm.

Lưu ý khi nấu nước đường làm bánh trung thu
Sau đây là một số lưu ý về cách nấu nước đường làm bánh Trung Thu giúp bạn dễ dàng có được nồi nước đường đúng chuẩn để làm bánh thơm ngon, tròn vị:
Trong suốt quá trình nấu, bạn không nên khuấy hay đảo nước đường trong nồi sẽ gây ra tình trạng bị lại đường sau khi nấu.
Nước tro tàu cần được hòa tan trong nước trước khi đổ vào nồi để nấu.
Khi nước đường sôi và tạo bọt trên mặt nước bạn nên lấy thìa nhẹ nhàng vớt những bọt bóng đó ra đến khi hết hẳn. Làm như vậy nước đường sẽ trong hơn.
Nên hạ lửa nhỏ trong quá trình nấu để tránh làm nước đường chín quá nhanh sẽ bị lại đường trong lúc bảo quản.
Chai, lọ để đựng nước đường cần phải rửa sạch và lau khô rồi mới đổ nước đường vào để tránh nước đường bị mốc hay hư hỏng.
Các câu hỏi thường gặp khi nấu nước đường làm bánh trung thu
Khi bạn thực hiện sẽ có một số thắc mắc trong cách nấu nước đường làm bánh Trung Thu. Dưới đây là những câu hỏi và câu trả lời phổ biến thường gặp:
Nước đường làm bánh trung thu để được bao lâu?
Thông thường nước đường để làm bánh Trung Thu để càng lâu thì làm bánh sẽ càng thơm ngon, lên màu đẹp và giúp bánh bảo quản được lâu hơn.
Cần bao nhiêu nước đường để làm bánh trung thu?
Theo đúng tỉ lệ 1kg đường và 600ml nước sẽ cho ra 1,2kg nước đường. Tùy vào gia đình bạn có bao nhiêu người, bạn muốn làm bao nhiêu chiếc bánh Trung Thu rồi dựa vào tỉ lệ chuẩn để căn chỉnh khi pha chế là bạn đã có lượng nước đường phù hợp.
Làm sao để biết nước đường đã đạt chuẩn?
Bạn dùng một chiếc đũa nhúng vào nước đường rồi thả xuống một mặt phẳng là đĩa hay bát. Nếu giọt nước đường rơi xuống và co tròn lại rồi 1 đến 2 giây sau mới từ từ tan rộng ra là nước đường đã đạt chuẩn.
Hy vọng những thông tin về cách nấu nước đường làm bánh Trung Thu sẽhữu ích đến bạn. Đừng quên truy cập vào Cleanipedia thường xuyên để theo dõi nhiều hơn những mẹo về chăm sóc gia đình và trang trí nhà cửa bạn nhé!
Tác giả: Team Cleanipedia
Bản quyền thuộc về: Unilever Vietnam. Ghi rõ nguồn khi tham khảo