Trà Kombucha là gì?
Kombucha là đồ uống lên men được tạo ra từ các nguyên liệu gồm trà (trà xanh hoặc trà đen), đường, vi khuẩn và men nấm. Loại thức uống này có nguồn gốc từ Trung Quốc và đã được sử dụng qua hàng nghìn năm. Kombucha không chỉ có những lợi ích sức khỏe tương tự như trà mà còn rất giàu lợi khuẩn. Thêm vào đó, Kombucha chứa chất chống oxy hóa, có thể tiêu diệt vi khuẩn có hại và có thể giúp chống lại một số bệnh.
Tác dụng của trà Kombucha
Các lợi ích của Kombucha đến từ các thành phần có trong đồ uống này là trà và men vi sinh. Sau đây, Cleanipedia giới thiệu bạn các lợi ích sức khỏe của trà Kombucha, cụ thể:
Kombucha là một nguồn lợi khuẩn tiềm năng. Quá trình lên men tạo ra một lượng lớn vi khuẩn, đặc biệt là các vi khuẩn axit lactic. Đây là những vi khuẩn rất có lợi cho đường ruột, giúp cải thiện sức khỏe hệ thống tiêu hóa, chống viêm nhiễm và thậm chí giảm cân.
Kombucha cung cấp lợi ích sức khỏe giống trà xanh. Kombucha làm từ trà xanh nên chứa nhiều polyphenol, là chất chống oxy hóa mạnh. Hợp chất này giúp đốt cháy calo, giảm mỡ bụng, cải thiện mức cholesterol và kiểm soát lượng đường trong máu. Bên cạnh đó, những người uống trà xanh đã được chứng minh có giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và ung thư ruột kết.
Kombucha chứa chất chống oxy hóa giúp giải độc gan. Kombucha, đặc biệt khi làm từ trà xanh, có tác dụng chống oxy hóa rất tốt cho gan. Các nghiên cứu phát hiện ra rằng uống Kombucha thường xuyên giúp giảm độc tính của gan.
Kombucha giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại. Axit axetic sinh ra trong quá trình lên men giúp tiêu diệt nhiều vi sinh vật có hại. Đồng thời, Kombucha làm từ trà đen hoặc trà xanh có đặc tính kháng khuẩn mạnh, giúp chống lại vi khuẩn gây nhiễm trùng và nấm men Candida. Do đó, tác dụng này giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nấm men không mong muốn, nhưng không làm ảnh hưởng đến các vi khuẩn có lợi và nấm men tham gia vào quá trình lên men Kombucha.
Kombucha giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Các nghiên cứu cho thấy Kombucha giúp giảm đáng kể các dấu hiệu của bệnh tim (cụ thể là cải thiện 2 chỉ số cholesterol LDL và HDL) trong vòng 30 ngày.
Kombucha giúp kiểm soát bệnh tiểu đường. Trà Kombucha làm chậm quá trình tiêu hóa carbohydrate, giảm lượng đường trong máu, giúp cải thiện chức năng gan và thận, và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Kombucha giúp bảo vệ chống lại bệnh ung thư. Đã có nghiên cứu chứng minh Kombucha giúp ngăn chặn sự phát triển và lây lan của các tế bào ung thư do nồng độ cao của polyphenol và chất chống oxy hóa. Vì lý do này, những người thường xuyên uống trà sẽ ít có nguy cơ mắc ung thư hơn.
Tác dụng phụ của trà Kombucha
Mặc dù Kombucha rất tốt cho sức khỏe, nhưng bạn vẫn không nên sử dụng quá nhiều vì các tác dụng phụ dưới đây:
Dư thừa calo. Nhiều nhãn hiệu trà Kombucha có sẵn trên thị trường hiện nay có lượng calo cao, thậm chí lên đến 120 calo mỗi chai. Đồng thời, calo dạng lỏng dễ tiêu thụ và ít no hơn so với calo từ thức ăn rắn. Vì vậy, việc sử dụng Kombucha quá thường xuyên sẽ góp phần khiến cơ thể thừa calo, dễ tăng cân và tăng nguy cơ bị thừa cân, béo phì.
Gây đầy hơi và rối loạn tiêu hóa. Khí ga trong quá trình lên men là nguyên nhân gây đầy hơi và dư thừa khí. Ngoài ra, Kombucha còn chứa các hợp chất FODMAPs, một loại carbohydrate gây ra tình trạng khó tiêu hóa, đặc biệt là những người bị hội chứng kích thích ruột (IBS).
Chứa hàm lượng đường vượt mức trung bình. Để tạo sự hấp dẫn với người tiêu dùng, một số sản phẩm Kombucha có cho thêm chất tạo ngọt. Tuy hương vị sẽ thơm ngon hơn, nhưng điều này lại làm tăng lượng đường trong đồ uống. Đường tiêu thụ quá mức sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe, tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, béo phì, gan nhiễm mỡ và bệnh tim mạch. Do đó, bạn nên tìm hiểu những thương hiệu Kombucha có lượng đường thấp, dưới 4g để hạn chế lượng đường nạp vào cơ thể.
Nguy hiểm cho một số người nhất định. Kombucha tự làm không được khử trùng và chứa hỗn hợp các loại vi khuẩn, nấm men khác nhau. Đây cũng là môi trường có khả năng thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có hại, dẫn đến nhiễm trùng và biến chứng nghiêm trọng cho bệnh nhân đang suy yếu hệ thống miễn dịch như bệnh nhân ung thư. Bên cạnh đó, Kombucha còn chứa một lượng nhỏ caffeine và men rượu. Vì vậy, phụ nữ mang thai và đang cho con bú cũng nên tránh sử dụng.
Dư thừa caffeine. Kombucha thường được làm bằng trà đen hoặc trà xanh, cả hai đều có caffeine. Mặc dù hàm lượng này ít so với trà pha truyền thống, nhưng nếu dùng Kombucha quá thường xuyên, bạn sẽ tiêu thụ quá nhiều caffeine. Những người nhạy cảm với caffeine có thể cảm thấy lo lắng, bồn chồn nếu dùng quá nhiều Kombucha. Ngoài ra, bạn nên tránh sử dụng Kombucha gần giờ đi ngủ vì có thể khiến giấc ngủ bị gián đoạn.
Cách sử dụng trà Kombucha đúng cách
Mặc dù Kombucha an toàn với hầu hết mọi người, bạn vẫn cần biết sử dụng trà Kombucha đúng cách như thế nào để mang lại hiệu quả.
Nên uống Kombucha vào lúc nào? Bạn có thể uống Kombucha bất cứ khi nào bạn thích. Nếu dùng khi đang đói bụng, Kombucha sẽ giúp bạn tăng cường tác dụng giải độc. Khi uống trước hoặc sau bữa ăn, trà sẽ giúp cải thiện tiêu hóa. Trong trường hợp nhạy cảm với caffeine, bạn không nên uống kombucha vào buổi tối vì có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.
Cách uống Kombucha giảm cân? Kombucha chứa nhiều calo và đường, vì vậy uống quá nhiều không phải là lựa chọn tốt khi bạn đang ăn kiêng. Để đạt được những lợi ích của Kombucha mà không tiêu thụ quá nhiều calo, bạn chỉ nên uống dưới 240ml mỗi ngày. Ngoài ra, bạn nên chọn các nhãn hiệu ít calo, ít đường được bảo quản trong hộp thủy tinh sẫm màu. Chai thủy tinh sẽ bảo vệ men vi sinh khỏi tác động của ánh sáng. Bạn cũng nên lưu ý thành phần calo trên bao bì sản phẩm không nên vượt quá 50 calo mỗi khẩu phần để dễ kiểm soát lượng calo từ đồ uống lỏng hơn.
Lưu ý khi sử dụng trà Kombucha
Khi bắt đầu sử dụng trà Kombucha, bạn cần tham khảo một số lưu ý dưới đây để hạn chế các tác dụng phụ từ đồ uống này.
Đối với Kombucha tự làm, bạn nên dùng bình thủy tinh để chứa trong quá trình lên men, sẽ tránh các kim loại như chì vào đồ uống. Bên cạnh đó, bạn nên vệ sinh bình, chai thủy tinh thật kỹ trước khi đựng để tránh nhiễm khuẩn và làm hỏng trà.
Những người có hệ thống miễn dịch yếu và nhạy cảm với caffeine nên tránh sử dụng Kombucha. Phụ nữ mang thai và đang cho con bú cũng không nên sử dụng thức uống này.
Kombucha có chứa men rượu. Bạn nên hạn chế sử dụng nếu bạn có vấn đề với đồ uống có cồn.
Kombucha có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Do đó, bệnh nhân tiểu đường khi sử dụng Kombucha cần theo dõi lượng đường trong máu thật cẩn thận.
Trên đây là những thông tin về tác dụng của trà Kombucha và những lưu ý khi sử dụng để mang lại kết quả tốt cho sức khỏe. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình tìm hiểu về Kombucha.
Tác giả: Team Cleanipedia
Bản quyền thuộc về: Unilever Vietnam. Ghi rõ nguồn khi tham khảo.