Mâm ngũ quả ngày tết có ý nghĩa gì?
Gọi là mâm ngũ quả vì nó gồm 5 loại trái cây rực rỡ khác nhau. Đây là những loại quả thể hiện được mong muốn đủ đầy, giàu có và sung túc của gia chủ. Tùy từng vùng miền mà có cách lựa chọn các loại quả khác nhau. Trước tiên, bạn cần tìm hiểu ý nghĩa của một vài loại trái cây để có thể lựa chọn đúng.

Quen thuộc nhất là 5 loại trái trên mâm ngũ quả thường gặp
Dừa: Mong muốn có vừa đủ vật chất, tinh thần
Đu đủ: Sự đủ đầy, phát triển
Mãng cầu: Cầu cho mọi sự như ý
Xoài: Tiêu xài không túng thiếu
Sung: Sự sung sướng, sung túc.
Ngoài ra, ở từng vùng miền mà có thể bắt gặp những loại trái cây khác
Chuối: Ước muốn được bảo vệ, che chở
Quất, quýt, cam: Cầu nhiều tài lộc, may mắn
Dưa hấu: Sự viên mãn, tốt đẹp
Dứa: Sự sạch sẽ, nhiều phúc lộc
Mãng cầu: Cầu cho mọi sự như ý
Đào: Ước mơ thăng tiến trong công việc.
Cách bày mâm ngũ quả theo phong tục ba miền

1. Mâm ngũ quả miền Bắc
Thuyết ngũ hành được người miền Bắc vận dụng vào cách bày mâm ngũ quả. Theo phong thủy phương Đông, mâm ngũ quả phải hài hòa đủ kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Vì vậy, 5 loại trái phải tương ứng các màu: trắng, xanh, đen, đỏ, vàng. Bạn không cần quá quan trọng chuyện ít nhiều mà chỉ cần mua đủ các loại quả ấy. Sau đó sắp xếp sao cho thật bắt mắt.
Chuối, quýt, hồng, bưởi, đào là 5 loại trái được dùng để trang trí mâm ngũ quả miền Bắc. Tuy nhiên, người miền Bắc ngày nay không còn quá khắt khe trong quan niệm ngũ quả. Các mẹ vẫn có thể sắm thêm nhiều loại quả hơn để thành lục quả, bát quả,... Nhưng dù thế nào, thì người ta vẫn gọi nó là ngũ quả như bao đời nay.
Cách bày mâm ngũ quả theo phong tục miền Bắc không quá khó. Nải chuối tiêu được đặt ở dưới để đỡ những loại quả khác. Ở giữa mâm là trái bưởi và chèn xung quanh là quýt, đào, hồng,… Màu xanh của chuối và bưởi, màu hồng của đào và chút cam của hồng trông thật bắt mắt.
2. Mâm ngũ quả miền Trung
Miền Trung là khu vực luôn phải chịu nhiều thiên tai nhất nước ta. Cách bày mâm ngũ quả của họ không quá áp đặt mà chỉ cần có gì trưng nấy. Tuy nhiên, đó phải là những món đồ tươi ngon và dâng cho ông bà một cách thành kính nhất. Người miền Trung chuộng thanh long, dứa, chuối, dừa, cam, mãng cầu,… để trưng bày mâm ngũ quả. Cách bày tương tự với miền Bắc, những quả nặng làm tựa còn những quả nhẹ để xung quanh.
3. Mâm ngũ quả miền Nam
Miền Nam nổi tiếng với nhiều loại hoa quả phong phú vì ở gần vựa trái cây lớn nhất cả nước. Dù đa dạng là vậy nhưng người ta vẫn thường chọn các loại: mãng cầu, dừa, đủ, xoài, sung. Năm loại trái này thể hiện được ước muốn “Cầu vừa đủ xài sung”. Bên cạnh đó, họ còn sử dụng thêm dứa để làm đế mâm ngũ quả vững chắc hơn. Cách bày mâm ngũ quả miền Nam là dựng theo hình tháp, dùng trái to, nặng làm trụ. Nhiều nhà trưng bày thêm một cặp dưa hấu xanh hoặc vàng để mong đoàn viên, sum vầy.
Người miền Nam thường hạn chế sử dụng những loại trái có tên dễ liên tưởng đến ý không hay. Chẳng hạn:
Chuối: chúi nhủi, không tốt cho chuyện làm ăn.
Lê: lê lết, thất bát, đổ vỡ
Cam, quýt lại mang ý “Quýt làm cam chịu”.
Lưu ý khi chọn trái cây trong mâm ngũ quả

Bạn chỉ nên chọn những loại trái vừa chín hoặc sắp chín đến để có thể trưng bày lâu hơn. Nên chọn nhưng trái không có các vết xước hay bị móp, méo. Cuối cùng là không nên rửa quả để tránh tình trạng đọng nước khiến trái nhanh hư.
Bài viết trên là những kiến thức cần biết cho các mẹ bày mâm ngũ quả theo từng miền. Mỗi vùng miền đều có cách bày mâm ngũ quả khác nhau theo đặc trưng từng nơi. Nhưng tất cả đều thể hiện nét đẹp văn hóa của người Việt trong việc tưởng nhớ tổ tiên. Bên cạnh đó là mong muốn đón một năm mới đủ đầy, hạnh phúc và an yên.
Xem thêm: dọn bàn thờ ngày tết, cách trang trí nhà cửa ngày tết, cách trang trí nhà ngày tết đơn giản, dọn nhà đón tết, dọn dẹp nhà cửa đón tết, dọn nhà ngày tết, cách bảo quản bánh chưng, cách bảo quản chả lụa
Tác giả: Team Cleanipedia
Bản quyền thuộc về: Unilever Vietnam. Ghi rõ nguồn khi tham khảo.